Hòa giải
Hòa giải là một trong bốn phương thức giải quyết tranh chấp: Thương lượng, Hòa giải, Trọng tài và Tòa án. Trên thực tế rất phổ biến cách đạt rằng hai bên tự thương lượng, đàm phán với nhau là hòa giải hoặc tự hòa giải. Còn về mặt pháp lý, thì hòa giải luôn luôn phải có người thứ ba hoặc trung gian làm Hòa giải viên. Nếu không xuất hiện yếu tố thứ ba thì đó là phương thức thương lượng.
Tranh chấp tài chính
Một bên thứ ba trong hòa giải là trung gian hòa giải, có thể là cơ chế thương mại hoặc dân sự với một cá nhân hay tổ chức, cụ thể là Trung tâm Hòa giải. Có rất nhiều loại tranh chấp khác nhau nhưng không có một định nghĩa chính thức thế nào là tranh chấp về tài chính – ngân hàng. Tuy nhiên, có thể hiểu tranh chấp về tài chính – ngân hàng là tranh chấp về mua bán cổ phần của doanh nghiệp, bảo hiểm, chứng khoán, tiền gửi, tín dụng, ngoại tệ, ngoại hối,… Gọi là tranh chấp về tài chính – ngân hàng, nhưng khi phân loại giải quyết theo thủ tục pháp luật thì luôn được xếp vào nhóm tranh chấp dân sự hoặc tranh chấp kinh doanh, thương mại. Như vậy, tranh chấp về tài chính – ngân hàng cũng giống như những tranh chấp khác nhưng có thêm yếu tố đặc thù liên quan đến các cơ quan, tổ chức tài chính và ngân hàng như thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán, bảo hiểm thương mại, ngân hàng, tổ chức tài chính khác (như công ty tài chính, quỹ tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, dịch vụ cầm đồ,...).
Tài chính
Khoản 1, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, Nghị định số 165/2018/NĐ-CP “Quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính” đã liệt kê 20 “hoạt động tài chính”, đó “là các loại hoạt động nghiệp vụ: ngân sách nhà nước, ngân quỹ nhà nước, thuế, phí, lệ phí, thu khác của ngân sách nhà nước, dự trữ nhà nước, tài sản công, các quỹ tài chính nhà nước, đầu tư tài chính, tài chính doanh nghiệp, tài chính hợp tác xã, hải quan, kế toán, quản lý nhà nước về giá, chứng khoán, dịch vụ tài chính, dịch vụ kế toán, dịch vụ kiểm toán, kinh doanh bảo hiểm và các dịch vụ tài chính khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính”.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 4 về “Đối tượng báo cáo”, Luật Phòng chống rửa tiền năm 2022 thì có thể hiểu, tổ chức tài chính là tổ chức được cấp giấy phép thực hiện ít nhất 1 trong số 14 hoạt động sau đây: Nhận tiền gửi; cho vay; cho thuê tài chính; dịch vụ thanh toán; dịch vụ trung gian thanh toán; phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ ngân hàng, lệnh chuyển tiền; bảo lãnh ngân hàng, cam kết tài chính; cung ứng dịch vụ ngoại hối, các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ; môi giới chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán; quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán; kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; và đổi tiền”.
Nói đến “tài chính” thì hai văn bản trên đều đề cập đến chứng khoán, bảo hiểm, còn những vấn đề còn lại thì không có sự trùng lặp. Mỗi hoạt động tài chính trong đó cũng có thể được hiểu rất khác nhau. Ví dụ như việc đổi tiền trong dịch vụ liên quan đến ngân hàng thì là hoạt động của tổ chức tài chính, còn đổi tiền giữa người dân với nhau thì lại nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật về hoạt động tài chính.
Ngân hàng
Tổ chức tín dụng là tổ chức tài chính, nên toàn bộ việc kiện tụng Trọng tài và Hòa giải giữa cá nhân với tổ chức tài chính đều có thể gọi là tranh chấp tài chính, với cả 3 nhóm dịch vụ: Hoạt động ngân hàng (Nhận tiền gửi, cấp tín dụng và thanh toán qua tài khoản), Dịch vụ ngân hàng (Tư vấn ngân hàng, môi giới tiền tệ, quản lý tiền mặt) và Hoạt động khác.
Đặc điểm của tranh chấp tài chính – ngân hàng
Các tranh chấp tài chính – ngân hàng chủ yếu xảy ra giữa các tổ chức tín dụng với khách hàng và một số xảy ra trong các giao dịch tài chính cho vay, mua bán cổ phần, cổ phiếu giữa các doanh nghiệp với nhau. Riêng đối với tranh chấp tín dụng, ngoài việc xác định về số nợ, lãi suất và tài sản bảo đảm đã được pháp luật phân định tương đối rõ ràng, thì có một số tranh chấp dễ gây tranh cãi vì thuộc về quyền xem xét, áp dụng, chứ không phải là nghĩa vụ của các tổ chức tín dụng. Thậm chí Luật Các tổ chức tín dụng còn quy định: “Cấm mọi tổ chức, cá nhân được can thiệp trái phép vào quyết định cho vay của ngân hàng”. Chẳng hạn như, ngân hàng không gia hạn nợ, không giữ nguyên nhóm nợ, không tiếp tục cho vay, không miễn giảm nợ gốc, không giảm lãi suất và phí dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn.
Thực ra, những việc đó hầu như là quyền chứ không phải là nghĩa vụ của ngân hàng. Thậm chí về nguyên tắc, pháp luật không cho phép ngân hàng trong mọi hoặc một số trường hợp được gia hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm nợ gốc. Do đó, trong một đợt đã có có các nghị quyết, thông tư cho phép làm khác đi so với nguyên tắc chung để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngân hàng có thực hiện được hay không và đến mức độ nào thì còn phụ thuộc vào các yếu tố liên quan, khả năng tài chính và quan điểm kinh doanh của họ. Khi giải quyết tranh chấp trong các trường hợp này thì Trọng tài và Tòa án không thể áp dụng quy định của pháp luật không mang tính bắt buộc. Do đó, Hòa giải là giải pháp được ưu tiên hàng đầu và dễ đạt hiệu quả. Tóm lại, việc kiện tụng sẽ dễ dàng xử lý nếu các bên vi phạm thỏa thuận hay pháp luật và sẽ khó xử lý nếu pháp luật không bắt buộc mà chủ yếu dựa trên thiện chí hợp tác, hỗ trợ của ngân hàng. Khi đó, Hòa giải sẽ là giải pháp tốt nhất để giải quyết tranh chấp.
Các phương thức giải quyết tranh chấp tài chính – ngân hàng
Theo quy định của pháp luật hiện nay, có 04 phương thức giải quyết tranh chấp: Thương lượng, Hòa giải, Trọng tài và Tòa án.
Thương lượng và Hòa giải có sự đồng thuận về lợi ích; Trọng tài và Tòa án thực chất gần giống nhau, cũng là cơ quan phán xử, Trọng tài gần như thay thế Tòa án ra phán quyết buộc các bên thực hiện. Thương lượng, Hòa giải và Trọng tài là 3 phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án và đều bảo mật. Hòa giải độc lập là phương thức ngoài tố tụng, còn Hòa giải tại Trọng tài, Tòa án là trong tố tụng.
Việc chọn phương thức thức giải quyết tranh chấp nào dựa theo yếu tố loại hợp đồng và tính chất, thời gian, chi phí. Hòa giải thì có thể dễ dàng giải quyết hơn trong mọi trường hợp. Thương lượng và Hòa giải thì khả năng kiểm soát ở trong tầm tay các bên, mỗi bên 50%. Còn khi ra xem xét tại phiên họp của Trọng tài hay xét xử tại Tòa án, thì các bên không thể kiểm soát được tình hình và kết quả do Trọng tài hoặc Tòa án quyết định.
Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) có điều khoản hòa giải mẫu: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng hòa giải tại Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam theo Quy tắc hòa giải của Trung tâm này.”
Trong các phương thức giải quyết tranh chấp, Hòa giải tại Tòa án không được chỉ định mà theo cơ chế của pháp luật; Hòa giải tại Trọng tài cũng không được chỉ định và không cần chỉ định cụ thể vì bản chất thỏa thuận giải quyết tranh chấp ở Trọng tài thì không có thỏa thuận hòa giải nữa; Thương lượng không có quy định nên không có chỉ định; Hòa giải thì phải chỉ định, thỏa thuận hòa giải mà không chỉ định là thỏa thuận vô nghĩa. Lời khuyên cho các doanh nghiệp khi viết thỏa thuận hòa giải là viết cụ thể hòa giải ở đâu, hòa giải như thế nào.
Cần làm gì để hòa giải đạt được hiệu quả?
Để hòa giải hiệu quả, thiết thực nhất và nhanh đạt được kết quả nhất, cần có những điều kiện sau:
Quan hệ giữa hai bên không quá xấu, muốn duy trì mối quan hệ trong tương lai;
Có khả năng thực hiện nghĩa vụ;
Hồ sơ pháp lý còn yếu và thiếu nhiều yếu tố, không chắc chắn để thực hiện tố tụng
Những lưu ý khi tiến hành hòa giải
Có thể chọn bất kỳ Hòa giải viên nào, các bên có thể thỏa thuận trước trong hợp đồng hoặc sau khi có tranh chấp, có thể chọn trong danh sách Hòa giải viên của Trung tâm hòa giải của VMC hoặc trung tâm bất kỳ;
Có thể hòa giải trực tiếp hoặc trực tuyến;
Kết quả hòa giải do tự nguyện thi hành hoặc Tòa công nhận./.