Hậu hoà giải thành: Tự nguyện và cưỡng chế thi hành

05/06/2024

Hậu hoà giải thành: Tự nguyện và cưỡng chế thi hành

Tính đến năm 2023, Bộ Tư pháp đã cấp giấy phép cho 25 tổ chức bao gồm 17 trung tâm Hòa giải và 8 trung tâm Trọng tài bổ sung chức năng hòa giải. Hiện nay có Ủy ban Trọng tài thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KCAB International) đặt đại diện ở Việt Nam và chưa có tổ chức hòa giải nước ngoài nào đặt văn phòng tại Việt Nam. Về số lượng Hòa giải viên, ngoài Hòa giải viên trong danh sách của 25 tổ chức nói trên, theo danh sách Bộ Tư pháp công bố thì có hơn 100 Hòa giải viên vụ việc đăng ký tại các Sở Tư pháp địa phương. Về vụ việc, Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) đã tiếp nhận 36 vụ tranh chấp từ năm 2018 đến tháng 03/2023, trong đó 91% số vụ có hòa giải viên đã hòa giải thành và các bên tự nguyện thi hành kết quả hòa giải thành.

Cơ sở pháp lý của Hòa giải thương mại Việt Nam chủ yếu liên quan đến ba văn bản pháp lý quan trọng. Đầu tiên là Chương 33 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 về Thủ tục Công nhận Kết quả Hòa giải thành. Chương 33 đã đem lại hiệu lực cưỡng chế thi hành và công nhận giá trị pháp lý của hòa giải thành tương tự như một bản án chung thẩm có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Đây có thể nói là một bước tiến rất xa so với nhiều nước trong khu vực.

Văn bản thứ hai là Luật Trọng tài Thương mại năm 2010, văn bản này đề cập đến một cơ chế liên thông giữa Hòa giải thương mại với Trọng tài. Văn bản trực tiếp liên quan đến những người hoạt động trong lĩnh vực hòa giải thương mại là Nghị định 22/2017/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 22/CP) quy định chung về Hòa giải thương mại tại Việt Nam. Nếu xét vị trí lịch sử, Nghị định 22/CP tương tự với Nghị định 116-CP ngày 05 tháng 09 năm 1994 trước đây của Chính phủ quy định về tổ chức Trọng tài kinh tế phi chính phủ, là tiền đề cho sự phát triển của hoạt động Trọng tài thương mại ngày nay. Văn bản pháp lý đầu tiên khởi đầu cho hoạt động Trọng tài là Nghị định 116-CP và Nghị định 22 này cũng tương tự như vậy với tư cách là văn bản pháp lý đầu tiên quy định về hoạt động Hòa giải thương mại

Lịch sử hình thành Nghị định 22/CP

Về lịch sử dẫn đến Nghị định 22/CP, Bộ Tư pháp đã thành lập Ban soạn thảo đầu tiên vào ngày 16 tháng 05 năm 2013 và tổ biên tập vào năm ngày sau đó. Đến ngày 14 tháng 02 năm 2014 Bộ Tư pháp ra quyết định kiện toàn lại Ban soạn thảo và Tổ biên tập, và tôi cũng vinh dự là một thành viên trong Tổ biên tập. Nghị định 22/CP được bắt đầu soạn thảo từ năm 2013 nhưng đến tận ngày 24 tháng 02 năm 2017 mới được chính thức ban hành. Có 02 nguyên nhân chính làm quá trình soạn thảo kéo dài hơn 4 năm:

Thứ nhất

Khi soạn thảo Nghị định 22/CP, Ban soạn thảo Nghị định 22/CP phải chờ hoạt động của Ban soạn thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 vì những nội dung liên quan đến giá trị pháp lý của kết quả hòa giải thành sẽ được xem xét như thế nào.

Nghị định 22/CP và lịch sử lập pháp của nó được rất nhiều người so sánh với Công ước Hòa giải Singapore. Theo quan điểm của cá nhân tôi, việc so sánh đó là hoàn toàn khập khiễng vì tại thời điểm Nghị định 22/CP được soạn thảo vào năm 2013, Công ước Hòa giải Singapore chưa hề được xem xét đến. Dựa trên việc Công ước này được soạn thảo vào các năm 2015 - 2018, ký kết năm 2019 và có hiệu lực vào năm 2020, có thể thấy, trong quá trình soạn thảo Nghị định 22/CP, Ban soạn thảo và Tổ biên tập không có ý niệm gì về Công ước Hòa giải Singapore.

Mặc dù nước ta có tham gia họp dự thính hoạt động của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hiệp quốc (UNCITRAL) liên quan đến Công ước Hòa giải Singapore, nhưng khi soạn thảo Nghị định 22/CP về Hòa giải thương mại thì nội dung soạn thảo không liên quan đến dự thảo đó. Nghị định 22/CP của Chính phủ may mắn nhận được nhiều sự hỗ trợ của rất nhiều dự án, tổ chức quốc tế. Những cơ quan đã có những đóng góp to lớn trong việc soạn thảo Nghị định 22/CP có thể kể đến như: USAID – Tổ chức Viện trợ Phát triển Hoa Kỳ là tổ chức đã hỗ trợ Bộ Tư pháp tổ chức các hội thảo liên quan, UNDP - Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) cũng hỗ trợ trực tiếp cho Bộ Tư pháp trong việc soạn thảo Nghị định này.

Thứ hai

Khi Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 được khách quan thông qua, thì Nghị định 22/CP vẫn gặp khó khăn tưởng như không thông qua được do thay đổi cơ cấu nhân sự trong Bộ Tư pháp, lãnh đạo Bộ phụ trách lĩnh vực bổ trợ tư pháp thay đổi liên tục, các Bộ chuyên ngành của Chính phủ cũng mất thời gian để góp ý, bình luận và đưa ra nhiều ý kiến về dự thảo Nghị định này.

IFC có những chuyên gia quốc tế và nhiều chuyên gia ở trụ sở chính đã góp ý cho dự thảo Nghị định 22/CP, còn có tiến sĩ Francis Law – Chủ tịch Trung tâm Hòa giải Hong Kong (HongKong Mediation Center). Lúc đó có nhiều ý kiến ở Bộ Tư pháp cho rằng cơ chế hòa giải vụ việc là không cần thiết vì rất khó quản lý, vì vấn đề quản lý được một người tự tiến hành hòa giải rồi lại đề nghị Tòa án xin công nhận là rất phức tạp, Ban soạn thảo đã dự định bỏ hẳn chế định hòa giải vụ việc (ad-hoc mediation). Ông Francis Law đã chuyển toàn bộ văn bản pháp luật về hòa giải và thực tiễn hòa giải ở Hong Kong cùng rất nhiều quốc gia khác trong hệ thống pháp luật Thông luật (Common Law) sang Bộ Tư pháp để giải thích vì sao cần thiết phải có cơ chế pháp lý về hòa giải vụ việc. Đó là lý do vì sao cơ chế hòa giải vụ việc vẫn được giữ lại và hiện nay đã có hơn 100 người đăng ký làm Hòa giải viên vụ việc.

Cơ quan cuối cùng góp sức trong việc soạn thảo Nghị định là Ủy ban Luật thương mại quốc tế Liên Hợp Quốc. Ủy ban Luật thương mại quốc tế Liên Hợp Quốc đương nhiên sẽ ủng hộ các quốc gia phê chuẩn luật mẫu của chính UNCITRAL về Hòa giải thương mại hơn những Nghị định của Chính phủ, nhưng vì hoàn cảnh riêng, Bộ Tư pháp vẫn ban hành Nghị định để có thể có một văn bản pháp luật đầu tiên điều chỉnh hoạt động hòa giải thương mại như khuyến nghị của UNCITRAL. Có thể nói những nguyên tắc cơ bản của Nghị định 22/CP đã kế thừa và tiếp thu được rất nhiều các nguyên tắc căn bản của Luật mẫu của UNCITRAL về Hòa giải thương mại, trong đó có cơ chế về giá trị pháp lý của văn bản kết quả hòa giải thành. Vị trí lịch sử của Nghị định 22/CP đã đặt nền móng đầu tiên và cơ bản để hình thành nên một thị trường hòa giải thương mại ở Việt Nam.

Hiện nay Bộ Tư pháp đang dự định đề nghị Quốc Hội cho phép xây dựng Luật Hòa giải thương mại để tương xứng với Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án mà Quốc Hội vừa ban hành cho Tòa án tối cao. Như vậy ta có quyền hy vọng rằng tại thời điểm nào đó nếu Nghị định 22/CP được nâng lên thành luật, khi đó Luật Hòa giải thương mại của Việt Nam sẽ không khác gì Luật mẫu của UNCITRAL về Hòa giải thương mại quốc tế.

Thi hành kết quả hòa giải thành “trong nước”

Liên quan đến thỏa thuận Hòa giải thành, Tổ biên tập và Ban soạn thảo đã mất rất nhiều thời gian trong việc soạn thảo khoản 4 Điều 3 Nghị định 22/CP để định nghĩa thế nào là thỏa thuận hòa giải thành. Ban soạn thảo đã quyết định không dùng thuật ngữ “thỏa thuận hòa giải thành” mà dùng “kết quả hòa giải thành” để thống nhất thuật ngữ với quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự, khi các bên yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án, Thẩm phán đã quen với thuật ngữ này và sẽ xem xét thủ tục một cách dễ dàng. Một trong những thành tựu cơ bản của Nghị định 22/CP là công nhận hai cơ chế Hòa giải thương mại tổ chức (institutional mediation) Hòa giải thương mại vụ việc (ad-hoc mediation). Điều này rất có lợi trong việc giải quyết tranh chấp vì nếu các Bên không giải quyết được toàn bộ tranh chấp thì ít nhất cũng thu hẹp được phạm vi tranh chấp, đặc biệt hữu ích cho những người hành nghề trong lĩnh vực Trọng tài trong việc giới hạn thẩm quyền của các Hội đồng trọng tài khi giải quyết vụ tranh chấp có liên quan đã được giải quyết bằng hòa giải nhưng không hòa giải thành toàn bộ mà chỉ hòa giải thành một phần.

Cơ chế thi hành kết quả hòa giải thành ở Việt Nam được chia thành ba phương thức khác nhau.

Phương thức đầu tiên là cân nhắc kết quả hòa giải thành như một hợp đồng mới. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 22/CP thì: “Khi đạt được kết quả hòa giải thành các bên lập văn bản về kết quả hòa giải thành. Văn bản về kết quả hòa giải thành có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự.” Bản chất của điều khoản này là các nhà soạn thảo muốn giải thích giá trị pháp lý của thỏa thuận hòa giải thành như một hợp đồng mới và liên quan đến việc thực hiện các điều khoản của hợp đồng.

Phương thức thứ hai là thi hành như quyết định của tòa án theo pháp luật về Tố tụng Dân sự và Luật Thi hành án. Nếu các bên đã đạt được thỏa thuận mà bên có nghĩa vụ chưa tự nguyện thi hành hoặc vẫn tự nguyện thi hành nhưng cần sự công nhận của Tòa án thì bên được thi hành có quyền nộp đơn ra Tòa án để xin thực hiện theo thủ tục công nhận hòa giải thành ở chương 33 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành có giá trị như một bản án chung thẩm có hiệu lực pháp luật của Tòa án, không thể bị kháng cáo nhưng có thể bị xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm, tương tự như phán quyết Trọng tài. Như vậy, kết quả hòa giải thành đã được Tòa án ra quyết định công nhận có giá trị pháp lý rất cao và nếu cần cưỡng chế thì các bên có thể yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế quyết định như mọi bản án của Tòa án khác.

Phương thức thứ ba là thi hành như Phán quyết Trọng tài trong nước theo pháp luật về Trọng tài thương mại và Luật Thi hành án. Khi các bên không muốn kết quả hòa giải thành chỉ có giá trị pháp lý tương đương như một hợp đồng vì lo ngại một bên vẫn có thể từ chối thực hiện theo thỏa thuận hoặc họ không muốn đem ra công nhận tại Tòa án vì bên có nghĩa vụ thi hành thỏa thuận ở nước ngoài, khi đó các bên có thể đề nghị Hội đồng Trọng tài ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên để thi hành theo Công ước New York 1958 về việc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài.

Kết quả hòa giải thành như quyết định của Tòa án

Liên quan đến việc công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, quy định tại khoản 1 Điều 417 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 về năng lực ký kết của các bên được xem xét tương tự như năng lực ký kết hợp đồng, phản ánh việc xem xét thỏa thuận hòa giải thành như một hợp đồng. Khoản 2 là một trong những vấn đề được Tòa án đặc biệt quan tâm: “Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải”, nói cách khác đối tượng của hợp đồng/thỏa thuận phải là quyền, nghĩa vụ mà các bên tham gia. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành có nội dung liên quan đến bên thứ ba thì phải được bên thứ ba đồng ý.

Có 2 vấn đề mà khi xem xét ở Chương 33 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 đó là vấn đề liên quan đến người thứ ba và vấn đề liên quan đến nghĩa vụ đối với Nhà nước. Tòa án nhân dân Tối cao rất quan tâm đến những “giao dịch giả tạo”, lo ngại rằng các bên có thể lợi dụng cơ chế hòa giải thương mại để trốn tránh nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước hoặc nghĩa vụ hợp đồng với bên thứ ba. Xuất phát từ tính bảo mật trong quy trình hòa giải và chỉ có các bên liên quan trực tiếp biết về thỏa thuận, một vấn đề cần lưu ý đó là khi một bên thứ ba không được tham gia quá trình hòa giải nhưng kết quả hòa giải có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của họ thì Tòa án cần đưa ra một phương án giải quyết.

Nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật để giới hạn phạm vi từ chối công nhận lại, không trái đạo đức xã hội và quan trọng là không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba. Việc soạn thảo khoản 2 và khoản 4 đã tạo nên nhiều cuộc tranh cãi trong Ban soạn thảo và mất nhiều thời gian để đưa ra quyết định cuối cùng. Khoản 3 thì chỉ cần một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận thì Tòa án sẽ thụ lý. Quy định ban đầu được Ban soạn thảo đưa ra là phải được cả hai bên yêu cầu và không có tranh chấp sau khi hòa giải thì Tòa án mới thụ lý đơn. Sau khi tranh luận, Ban soạn thảo đã đề xuất không nên quy định ràng buộc các bên không có tranh chấp và không bắt buộc cả hai bên phải có đơn yêu cầu để đảm bảo quyền lợi của bên được thi hành nghĩa vụ trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện theo phương án đã thỏa thuận.

Về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đã có những bàn luận lý do thủ tục công nhận thi hành phán quyết Trọng tài ở nước ngoài không phù hợp với loại hình này mà nên lấy mô hình thủ tục đăng ký phán quyết Trọng tài vụ việc để làm mô hình mẫu soạn thảo quy trình này.

Về cơ bản, chúng tôi muốn phấn đấu để xây dựng thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành như một thủ tục hành chính tư pháp hơn là một quy trình tố tụng. Thủ tục gồm 5 bước cụ thể:

1. Các bên nộp đơn yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành cho Tòa án có thẩm quyền (Thời hạn: 6 tháng kể từ khi có kết quả hòa giải thành). Dự thảo ban đầu thời hạn chỉ có 30 ngày tương tự như thời hạn xin hủy phán quyết Trọng tài.

2. Tòa án xem xét thụ lý đơn yêu cầu (Theo Điều 363, 364, 365)

3. Chuẩn bị xét đơn yêu cầu (Thời hạn: 15 ngày kể từ ngày thụ lý, kết thúc thời hạn trên thì ra quyết định mở phiên họp xét đơn).

4. Mở phiên họp xét đơn theo yêu cầu (Thời hạn 10 ngày kể từ khi có quyết định mở phiên họp)

5. Tòa án ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành. Việc không công nhận không ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lý của kết quả hòa giải thành, tương tự như phán quyết Trọng tài vụ việc. Khi soạn thảo chương 33, Ban soạn thảo đã dựa theo ý tưởng đó, vì thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành không phải là thủ tục bắt buộc, tức là các bên có nhu cầu thì Tòa án mới xem xét, còn không thì Tòa án vẫn xem trọng giá trị pháp lý mà nó vốn có.

Nghị định 22/CP có yêu cầu về hình thức của kết quả hòa giải thành phải có chữ ký của các bên tham gia hòa giảichữ ký của Hòa giải viên, khác với thỏa thuận đàm phán, thương lượng trực tiếp giữa các bên. Ở các quốc gia khác, không nhất thiết phải có chữ ký của Hòa giải viên trong thỏa thuận hòa giải thành. Tiêu chuẩn Hòa giải viên tương tự với tiêu chuẩn Trọng tài viên trong Luật Trọng tài thương mại 2010. Trong chương 33 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, hình thức Kết quả Hòa giải thành và tiêu chuẩn hòa giải viên không phải là điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành.

Trong Công ước Singapore về hòa giải có quy định một trong những căn cứ từ chối công nhận kết quả hòa giải thành là: “Hòa giải viên vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực áp dụng đối với Hòa giải viên hoặc đối với thủ tục hòa giải mà bên yêu cầu sẽ không tham gia thỏa thuận hòa giải nếu không có vi phạm đó”.. Hòa giải khác với Trọng tài ở chỗ, trong Trọng tài vấn đề quy trình tố tụng được quan tâm rất nhiều, nhưng trong Hòa giải vấn đề kết quả hòa giải mới là vấn đề được ưu tiên. Đối với Công ước Hòa giải Singapore, chuẩn mực nghề nghiệp của Hòa giải viên hoặc thủ tục hòa giải bị vi phạm nghiêm trọng đến kết quả vẫn là căn cứ dẫn đến kết quả hòa giải thành bị từ chối công nhận.

Kết quả hòa giải thành như phán quyết trọng tài

Về căn cứ pháp lý, cơ chế liên thông Trọng tài – Hòa giải quy định ở Điều 9 (Thương lượng, hòa giải trong Tố tụng Trọng tài) và Điều 58 (Hòa giải, công nhận hòa giải thành) của Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Ở Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) có dịch vụ Trọng tài của VIAC và cả dịch vụ Hòa giải của VMC. Trên thế giới, mô hình liên thông giữa Trọng tài – Hòa giải của Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (SIAC) và Trung tâm hòa giải quốc tế Singapore (SIMC) Arb-Med-Arb rất được biết đến. Trong trường hợp này, ta có thể tận dụng khuôn khổ pháp lý hiện có để công nhận thủ tục kết quả hòa giải thành theo Điều 58 Luật trọng tài thương mại.

Phải nói thêm rằng, việc một Hội đồng trọng tài cụ thể có công nhận kết quả hòa giải thành hay không không phải là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc, vì theo Điều 58 Luật Trọng tài thương mại, chỉ khi có yêu cầu của các bên tranh chấp thì Hội đồng trọng tài phải trực tiếp tiến hành hòa giải và như vậy họ mới ra quyết định công nhận việc hòa giải đó. Các bên lưu ý chọn Trọng tài viên ủng hộ hòa giải thì có thể họ sẽ linh động để xem xét và nếu các bên chọn một quy trình hòa giải khác trong thời gian chờ tiến hành tố tụng trọng tài thì Hội đồng trọng tài có thể ủng hộ hoạt động hòa giải đó. Tuy nhiên đó không phải là nghĩa vụ pháp lý của Hội đồng trọng tài.

Cơ chế thi hành kết quả hòa giải thành “nước ngoài” tại Việt Nam

Việt Nam chưa gia nhập bất kỳ Công ước Quốc tế nào về công nhận kết quả hòa giải thành tiến hành bởi trung tâm hòa giải ở nước ngoài. Chương 33 Bộ luật Tố tụng Dân sự chỉ áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền hòa giải theo pháp luật Việt Nam. Việt Nam không chỉ có hòa giải theo Nghị định 22/CP mà còn có hòa giải trong tố tụng trọng tài theo Luật Trọng tài thương mại 2010, hòa giải trong tố tụng dân sự theo Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, hòa giải đối thoại trước khi Tòa án chính thức thụ lý theo Luật hòa giải, đối thoại mới được ban hành của Quốc hội, Luật hòa giải cơ sở, vv. Chỉ những tổ chức, cá nhân được luật pháp Việt Nam quy định có thẩm quyền hòa giải thì Tòa án mới xem xét chứ không phải mọi thỏa thuận hòa giải ký bởi bất kì tổ chức hòa giải nào ở nước ngoài Tòa án cũng thụ lý.

Về khả năng thi hành kết quả hòa giải thành ở nước ngoài, các bên có một số lựa chọn như: Tự nguyện thi hành như một hợp đồng; Thi hành theo cơ chế liên thông giữa Trọng tài – Hòa giải; Thực hiện theo cơ chế một bản án của Tòa án nước ngoài. Ví dụ, nếu Tòa án của một nước ghi nhận kết quả hòa giải thành có hiệu lực như một bản án theo Chương 33 Bộ luật Tố tụng Dân sự Việt Nam thì có thể đề nghị Tòa án Việt Nam công nhận theo Hiệp định tương trợ tư pháp song phương; Cuối cùng là cơ chế hoàn toàn mới bắt đầu xuất hiện ở châu Á là cơ chế liên kết giữa Trung tâm Hòa giải và Trung tâm Trọng tài của các quốc gia khác nhau.

Ví dụ Trung tâm Hòa giải Quốc tế Singapore (SIMC) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Ủy ban Trọng tài Bắc Kinh (BAC) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Bắc Kinh (BIAC); hoặc Trung tâm Hòa giải Quốc tế Singapore (SIMC) ký thỏa thuận hợp tác với Tòa Trọng tài Quốc tế Shenzen (SCIA) của Trung quốc. Ví dụ như SIAC đã hòa giải thành một vụ tranh chấp xuyên biên giới và đã thỏa thuận với một tổ chức trọng tài ở Trung Quốc như BAC hoặc SCIA để công nhận thỏa thuận hòa giải của SIMC để chuyển nó thành một phán quyết trọng tài của Trung Quốc. Đây là một điều rất thú vị mà các Trung tâm Trọng tài và Hòa giải tại Việt Nam nên cân nhắc, nếu không kết hợp với các tổ chức ở nước ngoài thì ít nhất các tổ chức Trọng tài và Hòa giải trong nước có thể liên kết với nhau để cùng thúc đẩy sự phát triển của thị trường Trọng tài và Hòa giải trong nước.

Việc thực thi kết quả hòa giải thành “nước ngoài” tại Việt Nam cũng đi kèm nhiều rủi ro. Phán quyết Trọng tài ghi nhận thỏa thuận hòa giải thành một phần có được Tòa án Việt Nam xem xét và công nhận hay không vẫn là một vấn đề gặp nhiều tranh cãi. Hiện nay trên thực tế chưa có vụ việc nào tương tự để biết được đường lối xét xử của Tòa án như thế nào.

Theo như thủ tục công nhận phán quyết Trọng tài nước ngoài ở Việt Nam, Tòa án Việt Nam chỉ công nhận và cho thi hành phán quyết Trọng tài chung thẩm, cuối cùng và giải quyết toàn bộ tranh chấp. Hơn nữa, căn cứ từ chối công nhận có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: quy trình tố tụng không hợp thức; thủ tục giải quyết tranh chấp không phù hợp; vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Khuyến nghị

Nếu kết quả hòa giải thành cần được thi hành ở Việt Nam hay tài sản để thực hiện các nghĩa vụ trong thỏa thuận hòa giải thành ở Việt Nam thì các bên nên tiến hành hòa giải tại Việt Nam, với sự hỗ trợ của các tổ chức hòa giải thương mại tại Việt Nam để không vướng phải những bất cập và rủi ro trong việc yêu cầu công nhận và cho thi hành kết quả hòa giải thành. Nếu kết quả hòa giải thành cần được thi hành ở nước ngoài, các Bên cần cẩn thận khi cân nhắc việc nộp đơn ra Tòa xin công nhận kết quả hòa giải theo Chương 33 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Vì nếu Tòa án công nhận thì Bên yêu cầu vẫn phải tiếp tục cầm bản án của Tòa án đó đến nước xin thi hành để xin cưỡng chế thi hành, điều đó là rất khó khăn trong tình hình Việt Nam có rất ít hiệp định tương trợ tư pháp song phương với các nước trên thế giới.

Trong trường hợp này, cơ chế liên thông Arb-Med-Arb (Trọng tài - Hòa giải - Trọng tài) của VIAC – VMC có thể hữu ích vì phán quyết Trọng tài của VIAC được công nhận thi hành bởi 164 quốc gia thành viên còn lại theo Công ước New York 1958. Các trung tâm Trọng tài và Hòa giải Việt Nam cần chủ động xúc tiến hợp tác với các đối tác quốc tế như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc (Hong Kong) & Đài Loan vì đây là 5 đối tác kinh tế nước ngoài lớn nhất của Việt Nam trong thời gian qua. Tiến sĩ Francis Law của Trung tâm Hòa giải Hong Kong đã từng đề xuất hợp tác với VIAC và VMC để thực hiện cơ chế hợp tác song phương giống như SIMC hiện nay đang thực hiện.

Related Post

  • Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
    Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh
    Thời báo Kinh tế Sài Gòn
    Hội luật Quốc tế Việt Nam
    Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
    International Dispute Resolution & Risk Management Institute
    Korean International Mediation Center
    Singapore International Mediation Centre
    Shanghai Commercial Mediation Center (SCMC)
    Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế
    Internation Finance Corporation
    Báo Diễn đàn doanh nghiệp