Hiện nay, xây dựng là một trong những lĩnh vực dễ phát sinh các tranh chấp trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng xây dựng. Các tranh chấp có thể phát sinh giữa chủ đầu tư, nhà thầu, thi công và các bên khác. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các tranh chấp này như vi phạm tiến độ thanh toán, không đảm bảo tiến độ thi công, chất lượng công trình, v.v. Nếu các bên trong tranh chấp không có cơ chế giải quyết nhanh chóng và hợp lý thì việc giải quyết tranh chấp sẽ kéo dài và gây thiệt hại lớn cho các bên.
Để giải quyết vấn đề này, Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) đã có cuộc trao đổi với chuyên gia, Hòa giải viên trong lĩnh vực xây dựng - LS. Trương Trọng Nghĩa với chủ đề Hòa giải thương mại các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực xây dựng.
Hỏi: Ông có thể chia sẻ một số đặc điểm về tính hiệu quả của phương thức hòa giải thương mại?
LS. Trương Trọng Nghĩa: Hòa giải thương mại thật ra đã được nhắc đến và quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Nhưng cho đến khi khuôn khổ pháp lý về hòa giải thương mại được hoàn thiện với Nghị định 22/NĐ-CP/2017 (Nghị định 22) của Chính phủ, chúng ta mới chính thức có một công cụ mới để các bên có thể giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, thân thiện và nhanh chóng. Tôi cho rằng hòa giải thương mại có tính hiệu quả rất cao về thời gian và chi phí. Bên cạnh đó, đây còn là phương thức hỗ trợ giải quyết các vụ tranh chấp theo ý chí và nguyện vọng của các bên và không phải viện dẫn các quy định về tố tụng.[1] Do đó, tôi cho rằng tranh chấp phát sinh được đưa ra hòa giải, với sự hỗ trợ của những hòa giải viên phù hợp, có kỹ năng và các bên cùng có thiện chí thì sẽ đem lại hiệu quả cao.
Hỏi: Về phía Hòa giải viên thương mại, theo ông họ cần có các tiêu chuẩn, kĩ năng, kinh nghiệm như thế nào để đáp ứng được yêu cầu của các bên tranh chấp?
LS. Trương Trọng Nghĩa: Hòa giải viên thương mại đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn, bên cạnh các tiêu chuẩn cơ bản được quy định tại điều 7 Nghị định 22, tôi xin được làm rõ và đưa ra một số lưu ý khi lựa chọn Hòa giải viên dưới đây.
Thứ nhất, về chuyên môn, hòa giải viên cần có kiến thức, hiểu biết sâu rộng và kinh nghiệm thực tiễn trong chính lĩnh vực mà các bên đang có tranh chấp, ví dụ như với tranh chấp trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa đường biển, hòa giải viên cần có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm trong hoạt động vận chuyển và hóa đường biển. Không chỉ vậy, vì hòa giải có thể đi đến một sự thỏa thuận mang tính chất pháp lý cho nên hòa giải viên dù ở lĩnh vực nào cũng cần có kiến thức về pháp luật, để giúp các bên không đi đến hành vi sai pháp luật, dẫn đến kết quả hòa giải không thi hành được.
Thứ hai, về kỹ năng, hòa giải viên cần có kinh nghiệm trong việc thuyết phục, phân tích, xây dựng lý lẽ để thuyết phục các bên, đồng thời có kĩ năng làm việc với các bên. Ở đây các bên đang có tranh chấp với nhau, có thể tranh chấp mới ở giai đoạn đầu nhưng cũng có thể khi tranh chấp đã sâu sắc hơn. Vậy nên, kĩ năng hòa giải giúp các bên ngồi được với nhau để đi đến một giải pháp thân thiện. Ngoài việc tự trang bị và vận dụng khéo léo các kỹ năng tiến hành hòa giải, hòa giải viên cũng cần nghiên cứu hồ sơ vụ việc, tính chất, tình tiết của vụ việc để tìm phương án gợi ý giúp các bên tìm được điểm lợi ích chung và tiến tới hòa giải.
Hỏi: Được biết, ông đã là hòa giải viên cho một vụ tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng và đã hòa giải thành công. Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm từ vụ tranh chấp này không?
LS. Trương Trọng Nghĩa: Trước hết, tôi với tư cách là luật sư và trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), trong mười mấy năm qua tôi đã từng làm luật sư hoặc giải quyết tranh chấp về xây dựng rồi, đó là điều kiện thuận lợi với tôi khi hòa giải vụ tranh chấp xây dựng đó. Thêm vào đó, tôi nhận thức rất rõ được vai trò, trách nhiệm của tôi trong vị trí là một hòa giải viên, có quan điểm cho rằng hòa giải không cần nghiên cứu sâu, làm sao chỉ cần đưa các bên đi đến chỗ thống nhất là được. Tôi thì trái lại, trong vụ việc vừa rồi tôi nghiên cứu vụ việc rất là sâu để tôi thấy được bên nào đúng bên nào sai, bên nào mạnh bên nào yếu thế hơn trong vụ việc. Như vậy, nghiên cứu của bản thân cùng với sự lắng nghe chia sẻ của các bên sẽ giúp tôi gợi ý được cho các bên về vị thế của từng bên cũng như điểm nào trên cán cân sẽ mang lại lợi ích cân bằng, phù hợp cho cả hai. Việc tiến hành gợi ý này cũng đã được quy định rõ Hòa giải viên thương mại theo quy định được phép đề xuất về giải pháp hòa giải tranh chấp, thậm chí được phép làm việc riêng với từng bên thông qua các phiên họp riêng tại bất cứ thời điểm nào của thủ tục hòa giải (Khoản 3, Điều 14 Nghị định 22).
Thực tế là có những bên tranh chấp chỉ nhận thức họ đúng và họ mạnh mà thôi, điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới chính tâm thế của bên đó trong quá trình hòa giải. Nhiều khi chính các bên phải tự nhận thức ra là họ còn có điểm yếu trong bối cảnh vụ tranh chấp đó thì mới sẵn sàng thảo luận về các giải pháp hay dễ dàng chấp nhận hòa giải với bên kia. Đối với tôi, kinh nghiệm là phải nghiên cứu kĩ, nghiên cứu sâu vụ việc, có sự phân tích, gia công để nắm vững vụ tranh chấp, thậm chí nghiên cứu về pháp luật, giả định vụ này đưa ra Trọng tài hoặc Tòa án xử thì cái đúng cái sai sẽ thế nào. Khi có một nền tảng như vậy, việc phân tích cho các bên trong hòa giải sẽ có sự thuyết phục cao hơn và giúp cho các bên nhận thức được hòa giải như vậy là tốt nhất cho họ, sau đó họ đã đồng tình và đạt được kết quả hòa giải thành.
Hỏi: Trong giai đoạn này, tranh chấp trong xây dựng phát sinh rất nhiều, ông có lời khuyên gì cho các bên (như chủ đầu tư, nhà thầu, nhà thầu phụ…) đang có tranh chấp với nhau? Có nên sử dụng hòa giải không?
LS. Trương Trọng Nghĩa: Theo tôi, trong tình hình dịch bệnh có những trở ngại khách quan đối với các bên, có thể dẫn các bên đến một số vi phạm ngoài ý muốn, ngoài khả năng. Trong trường hợp có tranh chấp, đặc biệt bên thấy rằng bị thiệt hại cần xác định mình muốn gì, lợi ích của mình nằm ở chỗ nào: Ví dụ như, lợi ích là chấm dứt hợp đồng và bồi thường, hay lợi ích là tạo điều kiện cho đối phương tiếp tục thực hiện hợp đồng bởi vì đối phương sở dĩ vi phạm hợp đồng là vì lí do khách quan…
Để hòa giải, các bên phải thấu hiểu lẫn nhau, thấy được cả mặt khách quan và chủ quan, miễn cuối cùng đạt được lợi ích của mình. Nhưng vì đây là trở lực khách quan đối với các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, cho nên theo tôi phương thức hòa giải nên được lựa chọn và sử dụng để tìm được sự thấu hiểu và thông cảm lẫn nhau. Trọng tài nói thẳng ra là đấu tranh và đi đến kết quả phân định bên thắng – bên thua, nhưng hòa giải là sự thương lượng, thảo luận, hòa hoãn với nhau và kết quả về bản chất là hai bên cùng thắng. Trong giai đoạn này, việc các bên chọn phương thức hòa giải để tìm được giải pháp tối ưu cho vụ tranh chấp là điều rất cần thiết và rất nên làm./.
[1] Thủ tục hòa giải từ khi bắt đầu hòa giải cho tới khi chấm dứt hòa giải với kết quả hòa giải thành. Sau đó, một bên hoặc các bên có thể yêu cầu công nhận Văn bản về kết quả hòa giải thành theo qui định tại Chương 33 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.