Thực hiện thỏa thuận hợp tác ký kết giữa hai bên năm 2023, ngày 17/1/2024 tại Hà Nội và 19/1/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trung tâm Hòa giải Quốc tế Singapore (SIMC) đã tổ chức Tọa đàm “Giải quyết tranh chấp quốc tế trong bối cảnh hậu đại dịch: Xu thế và thách thức”.
Toạ đàm ngày 17/01 tại Hà Nội và ngày 19/01 tại Tp. Hồ Chí Minh
Buổi tọa đàm diễn ra với sự tham dự của các diễn giả là đại diện từ hai trung tâm hòa giải quốc tế lớn từ VIệt Nam và Singapore, về phía VMC có ông Phan Trọng Đạt – Quyền Giám đốc VMC thuộc VIAC và Ls. Nguyễn Trung Nam - Phó Giám đốc VMC thuộc VIAC. Về phía SIMC có ông George Lim SC – Chủ tịch SIMC và ông Chuan Wee Meng – Giám đốc SIMC. Tọa đàm cũng thu hút sự quan tâm của gần 120 người tham dự là Trọng tài viên VIAC, Hoà giải viên VMC và hoà giải viên thuộc các trung tâm hoà giải tại Việt Nam, luật sư, luật gia, đại diện doanh nghiệp, giảng viên và cộng đồng những người sử dụng ADRs.
LS. Vũ Ánh Dương – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, LS. Vũ Ánh Dương – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) – chia sẻ hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời trên thế giới và được sử dụng khá phổ biến trong thực tiễn giải quyết tranh chấp do những ưu điểm vượt trội như tiết kiệm thời gian, chi phí, đặc biệt là giúp các bên tiếp tục duy trì quan hệ đối tác trong kinh doanh. Đặc biệt, tại các quốc gia thuộc khu vực Á Đông như Việt Nam và Singapore, hòa giải không chỉ là một phương thức giải quyết tranh chấp mà còn thể hiện nét văn hóa truyền thống.
“Với ý nghĩa tốt đẹp như vậy, chắc chắn hòa giải sẽ là phương thức giải quyết tranh chấp đóng vai trò quan trọng tại Việt Nam và Singapore cũng như trên thế giới” – LS. Dương khẳng định.
LS. Dương cũng gửi lời cảm ơn tới SIMC đã cùng chia sẻ mục tiêu đóng góp các kiến thức, kinh nghiệm và hiểu biết về hòa giải thương mại quốc tế, được hiện thực hóa bằng việc phối hợp cùng VIAC/VMC tổ chức Tọa đàm.
Ông Phan Trọng Đạt – Quyền Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC
Mở đầu Tọa đàm, các diễn giả đã có phần giới thiệu ngắn gọn về hai trung tâm hòa giải VMC và SIMC. Ông Phan Trọng Đạt – Quyền Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC đã chỉ ra một vài thành tựu đáng nổi bật của VMC trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp. Là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ hòa giải thương mại chuyên nghiệp theo quy định tại Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 về hòa giải thương mại, trải qua 5 năm hoạt động, VMC đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực giải quyết tranh chấp, xúc tiến đào tạo cũng như hợp tác quốc tế. Về lĩnh vực giải quyết tranh chấp, VMC đã tiếp nhận và xử lý 39 vụ việc, trong đó, tỉ lệ các bên hòa giải thành là 91% và tự nguyện thi hành là 100% - một tỉ lệ lạc quan đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, 58 Hòa giải viên . Ngoài ra, VMC cũng thường xuyên tổ chức các khoá tập huấn về hoà giải cho các đối tượng là luật sư, pháp chế doanh nghiệp, giảng viên v.v. Bên cạnh đó, đại diện VMC chia sẻ về những thành tựu mở rộng hợp tác đối với các trung tâm hòa giải lớn trong khu vực.
Ông Chuan Wee Meng – Giám đốc Trung tâm Hòa giải Quốc tế Singapore (SIMC)
Ông Chuan Wee Meng – Giám đốc Trung tâm Hòa giải Quốc tế Singapore - chia sẻ, tuy là một tổ chức còn khá non trẻ với gần 10 năm lịch sử, SIMC đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực như giải quyết tranh chấp, đào tạo, xúc tiến hòa giải, và lãnh đạo tư duy (“Thought leadership”). Bên cạnh đó, Ông Chuan Wee Meng cũng nhấn mạnh SIMC là một tổ chức phi lợi nhuận, do vậy mục đích của SIMC chính là đảm bảo sự thành công của các bên trong việc tìm ra giải pháp cho tranh chấp thương mại quốc tế.
Ông George Lim SC – Chủ tịch Trung tâm Hòa giải Quốc tế Singapore (SIMC)
Tại phần 2 của Tọa đàm, các diễn giả tập trung trình bày về vấn đề thúc đẩy hòa giải trong giải quyết tranh chấp quốc tế. Ông George Lim SC – Chủ tịch SIMC nhận định rằng, trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19, phương thức hòa giải đang phát triển rất nhanh trên toàn thế giới. Ông nhấn mạnh sự phát triển bùng nổ của hòa giải trên toàn thế giới và dẫn chứng những câu chuyện thành công của SIMC trên khắp Châu Á, Châu Mỹ Latin. Bên cạnh đó, đại diện SIMC còn nhấn mạnh những lợi thế độc đáo của phương thức hòa giải thương mại. Không giống như các Thẩm phán hoặc Trọng tài viên, Hòa giải viên có thể đưa ra các giải pháp sáng tạo, giúp các bên đạt được lợi ích bên cạnh việc đơn thuần giải quyết tranh chấp đang tồn tại. Họ có thể giúp các bên hàn gắn mối quan hệ, giải quyết các lợi ích tiềm ẩn và thậm chí tạo ra các thỏa thuận mới, biến xung đột thành cơ hội. Sự linh hoạt này đặc biệt phù hợp trong các tranh chấp đa quốc gia phức tạp hoặc trong những trường hợp mà việc duy trì mối quan hệ là tối quan trọng.
Ls. Hoàng Nguyễn Hạ Quyên - Luật sư điều hành LNT & Partner, Hòa giải viên VMC
Ls. Hoàng Nguyễn Hạ Quyên - Luật sư điều hành Công ty luật LNT & Partner, Hòa giải viên VMC – nhận định rằng trước những hạn chế của phương thức tố tụng, hòa giải thương mại đang ngày càng trở nên phổ biến bởi so với phương thức tố tụng, hòa giải thương mại có nhiều ưu diểm như: bảo vệ lợi ích chung của các bên, thời gian giải quyết nhanh, chi phí thấp v.v. Bên cạnh đó, Ls. Quyên cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hòa giải viên trong việc thúc đẩy giao tiếp giữa các bên, giúp các bên tìm ra tiếng nói chung và đạt được thỏa thuận kịp thời.
Ls. Nguyễn Trung Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC)
Tiếp nối Toạ đàm, Ls. Nguyễn Trung Nam - Phó Giám đốc VMC thuộc VIAC – đã dẫn chứng hai vụ việc trên thực tế để minh họa cho tiềm năng của phương thức hòa giải thương mại. Trường hợp đầu tiên liên quan đến tranh chấp về dự án nhà máy nhiệt điện than gặp khó khăn về tài chính và các quy định môi trường mới. Phương thức trọng tài sẽ không giải quyết được nhu cầu cơ bản là điều chỉnh hợp đồng và tìm kiếm các nguồn tài chính thay thế. Tuy nhiên, hòa giải có thể tạo điều kiện thuận lợi cho những điều chỉnh và do vậy, có khả năng cứu vãn dự án. Trường hợp thứ hai liên quan đến tranh chấp M&A, nơi người mua, lo ngại về việc khởi nghiệp Việt Nam không tuân thủ ESG, ban đầu đe dọa sẽ bán lại cổ phần. Hòa giải cho phép các bên cùng nhau giải quyết vấn đề, tìm ra giải pháp có lợi cho cả hai thay vì đơn giản là trả lại cổ phần.
Bên cạnh đó, Ls. Nam cũng chia sẻ góc nhìn của mình về những cơ hội đầy hứa hẹn cho hòa giải ở Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như năng lượng xanh, M&A và tài sản kỹ thuật số. Mối quan tâm ngày càng tăng đối với việc tuân thủ ESG và thiếu khung pháp lý cho tài sản kỹ thuật số tạo ra các tranh chấp phức tạp, nơi tính linh hoạt của hòa giải sẽ là mấu chốt để đạt được kết quả có lợi cho cả đôi bên.