Ngày 08/11/2023, trong khuôn khổ Hội thảo “Các phương pháp giải quyết tranh chấp thay thế - quan điểm và thực tiễn so sánh giữa Việt Nam và Pháp” tổ chức bởi Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Pháp, ông Phan Trọng Đạt – Quyền Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Luật sư Nguyễn Mạnh Dũng – Hòa giải viên VMC, đã tham gia chia sẻ, đóng góp ý kiến tại chương trình. Hội thảo có sự tham gia của các luật sư, những người hành nghề luật trong lĩnh vực liên quan đến giải quyết tranh chấp thay thế và đại diện các cơ quan quản lý hoạt động tư pháp tại Việt Nam và Pháp.
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh tại Việt Nam, nhiều văn bản luật đã có quy định về phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hòa giải thương mại như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Chứng khoán, Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Đặc biệt, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại được ban hành nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp luật về giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, thúc đẩy sự phát triển của hòa giải thương mại – một phương thức giải quyết tranh chấp thay thế hiệu quả. Kết quả của việc ban hành văn bản này là số lượng số vụ việc hòa giải thương mại có xu hướng tăng, hòa giải thương mại được người dân và cộng đồng doanh nghiệp biết, quan tâm và đón nhận ngày càng nhiều. Đây là tín hiệu tích cực hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam.
Các chuyên gia thảo luận, trao đổi tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về pháp luật và thực tiễn hòa giải thương mại tại Việt Nam và của Pháp. Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Trọng Đạt – Quyền Giám đốc VMC – đã chia sẻ về thực tiễn hoạt động thương mại tại Việt Nam. Theo ông Đạt, hiện tại, vấn đề quan trọng nhất đối với hòa giải thương mại là nhận thức đầy đủ của các bên khi tham gia hòa giải. Chính vì vậy, những hội thảo giữa các cơ quan, tổ chức quốc tế, các cơ sở đào tạo luật và các doanh nghiệp, những người hành nghề luật, là cần thiết để phổ biến hòa giải thương mại đến với những đối tượng tiềm năng là các doanh nghiệp hoạt động thương mại, đặc biệt là thương mại quốc tế. VMC đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với các trung tâm hòa giải quốc tế, tổ chức quốc tế, v.v. để xúc tiến hòa giải thương mại nói chung và phát triển hòa giải thương mại tại Việt Nam theo các quy tắc, chuẩn mực quốc tế. Ông Đạt cũng bày tỏ hi vọng các quy định về hòa giải thương mại sẽ tiếp tục được hoàn thiện, bổ sung và xây dựng thành Luật Hòa giải thương mại.
Cũng tại buổi Hội thảo, Luật sư Nguyễn Mạnh Dũng – Hoà giải viên VMC đã câu hỏi tại hội thảo về đạo đức của luật sư khi tư vấn cho khách hàng lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp thay thế trước khi quyết định tranh tụng tại tòa án. LS Dũng đã đặt câu hỏi dành cho các đại diện đến từ Bộ tư pháp Pháp chia sẻ về cơ chế của Tòa án Pháp trong trường hợp khi có tranh chấp, một bên không có thiện chí trong quá trình hòa giải. Bên cạnh đó, ông cũng mong muốn nhận được ý kiến từ các chuyên gia về việc Pháp không phê chuẩn Luật mẫu UNCITRAL về trọng tài nhưng lại phê chuẩn Luật mẫu UNCITRAL về hòa giải. Câu hỏi cuối cùng được LS Dũng đặt ra liên quan đến thực tiễn tại Pháp của các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế khác ngoài trung gian và hòa giải như Ban Phân xử Tranh chấp (DAB) trong lĩnh vực xây dựng, chỉ định chuyên gia (expert examination), v.v. Những câu hỏi trên đã gợi mở những thảo luận đa chiều giữa các chuyên gia, luật sư tại buổi hội thảo, đồng thời, cung cấp nhiều thông tin, kinh nghiệm thực tiễn về hòa giải thương mại tới người tham gia.
Quyền Giám đốc VMC Phan Trọng Đạt và Hòa giải viên Nguyễn Mạnh Dũng phát biểu và trao đổi tại Hội thảo
Sau một ngày làm việc, Hội thảo đã thành công tốt đẹp, tiếp tục củng cố cho cơ sở hợp tác lĩnh vực tư pháp giữa hai nhà nước trong thời gian tới nói chung và hoạt động hòa giải thương mại, trọng tài thương mại tại Việt Nam và Pháp nói riêng. VMC bày tỏ hi vọng sẽ có thêm nhiều hội thảo, tọa đàm với nội dung về hòa giải thương mại quốc tế được tổ chức để thúc đẩy hơn nữa phương thức giải quyết tranh chấp này tại Việt Nam.