Ông Phan Trọng Đạt – Quyền Giám đốc VMC chia sẻ tại Diễn đàn thông tin pháp luật quốc tế lần thứ X với chủ đề: “Hòa giải thương mại trong bối cảnh hội nhập quốc tế: Pháp luật và thực tiễn”.
Diễn đàn thông tin pháp luật quốc tế lần thứ X là hoạt động chuyên môn và thường xuyên được tổ chức bởi Câu lạc bộ Luật sư Quốc tế trực thuộc Khoa Luật Quốc tế với mục đích cung cấp thông tin, kiến thức về nhiều vấn đề pháp lý. Diễn đàn với chủ đề “Hòa giải thương mại trong bối cảnh hội nhập quốc tế: Pháp luật và thực tiễn” đã thu hút sự tham gia của nhiều bạn sinh viên quan tâm tới hòa giải nói chung và hòa giải thương mại trong bối cảnh quốc tế nói riêng.
Ông Phan Trọng Đạt – Quyền Giám đốc VMC và PGS.TS. Trần Việt Dũng – Trưởng khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ tại Diễn đàn.
Mở đầu chương trình, ông Phan Trọng Đạt đã giới thiệu tổng quan về hòa giải thương mại theo Công ước Singapore và các quy định pháp luật có liên quan. Trong phần trình bày của mình, ông cũng đưa ra những đặc điểm, để phân biệt giữa hai khái niệm “hòa giải đối thoại” và “hòa giải thương mại”. Ông cũng chia sẻ phương thức hòa giải thương mại vẫn đang là một phương thức giải quyết tranh chấp mới tại Việt Nam và trên thế giới. Với xu hướng toàn cầu hiện nay là hướng đến những giải pháp "xanh", các phương thức giải quyết tranh chấp hướng đến mục tiêu các bên cùng có lợi, hòa giải nói chung và hòa giải thương mại nói riêng hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển và nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Không chỉ đồng điệu với biến chuyển toàn cầu, sự tối ưu của hòa giải thương mại cũng là một nguyên nhân cho sự phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Sự tối ưu này bao gồm việc duy trì mối quan hệ giữa các đối tác, tiết kiệm chi phí và thời gian cho việc tố tụng và thi hành án.
PGS. TS.Trần Việt Dũng đã có những gợi mở về định hướng nghiên cứu khoa học liên quan đến chủ đề “Hòa giải thương mại trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. Chia sẽ về định hướng nghiên cứu, ông Phan Trọng Đạt bày tỏ hi vọng các bạn sinh viên sẽ tích cực tham gia nghiên cứu những đề tài liên quan đến chủ đề này nhằm phổ biến hòa giải thương mại tại Việt Nam và thúc đấy những bước tiến của phương thức giải quyết tranh chấp này, bao gồm việc gia nhập Công ước Singapore về Hòa giải thương mại. Các bạn sinh viên cũng đã có phần trao đổi, hỏi đáp trực tiếp với các diễn giả. Thông qua phần hỏi – đáp với các bạn sinh viên, hai diễn giả tiếp tục khẳng định sự tối ưu của hòa giải thương mại trong bối cảnh thương mại quốc tế ngày càng phát triển.Kết thúc chương trình, ông Phan Trọng Đạt hoan nghênh sự tham gia tích cực của sinh viên tại diễn đàn, đồng thời bày tỏ hi vọng với những chia sẻ của hai diễn giả, các bạn sinh viên sẽ có thêm hiểu biết về hòa giải thương mại – một phương thức giải quyết tranh chấp đầy tiềm năng. Bên cạnh đó, ông cũng đánh giá cao nỗ lực của Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh khi tổ chức Diễn đàn thông tin pháp luật quốc tế và hi vọng diễn đàn sẽ được tiếp nối bởi những chủ đề hấp dẫn, bổ ích nhằm bổ sung, cập nhật kiến thức cho sinh viên có quan tâm đến các vấn đề pháp lý quốc tế.