ChatGPT là một ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang “dậy sóng” trên mạng xã hội thời gian gần đây. Với tính năng ưu việt và sở hữu một kho kiến thức khổng lồ nhằm giải đáp thắc mắc của người dùng, ứng dụng này được dự đoán rằng có thể thay thế nhiều vị trí nhân sự trong các doanh nghiệp. Vậy câu hỏi được đặt ra rằng: Liệu có thể ứng dụng ChatGPT vào quy trình Hòa giải hay không?
ChatGPT đang trở thành chủ đề "nóng", thu hút sự quan tâm của người dùng tại nhiều quốc gia trong thời gian gần đây thông qua các hình thức quảng cáo của OpenAI (tổ chức đứng sau ChatGPT). GPT là viết tắt của Generative Pretraining Transformer, được hiểu là hệ thống chatbot trí tuệ nhân tạo, có khả năng tạo văn bản giống như đang trò chuyện với người thật chỉ với những từ khóa cơ bản. Ứng dụng giúp người dùng trao đổi trực tiếp thông qua hình thức hỏi đáp là chính với những cơ sở dữ liệu thu thập được trên internet, mạng xã hội, các trang web kể từ năm 2021 trở về trước ở nhiều khía cạnh và lĩnh vực khác nhau. Chat GPT có khả năng hỗ trợ người dùng tương tác và thậm chí có thể thay thế con người làm việc trong một số yêu cầu nhất định như viết code, viết email, học tập và làm việc. Thời gian gần đây, ChatGPT đã khiến nhiều người bất ngờ với sự thông minh, tìm kiếm thông tin và độ nhạy bén khi có thể đưa ra câu trả lời trong vòng vài giây.
Tuy nhiên sự kiểm chứng cho thấy với những câu hỏi phức tạp, ChatGPT chưa đáp ứng được yêu cầu và trên thực tế, ChatGPT chỉ đơn thuần sắp xếp lại các câu trả lời dựa trên dữ liệu được cài đặt và qua quá trình học hỏi từ phản hồi của con người. Trong quá trình sử dụng, nhiều ý kiến cho rằng ChatGPT dựa trên kho dữ liệu khổng lồ do chính các nhà phát triển cung cấp, kể cả những nguồn dữ liệu chưa được kiểm chứng tính xác thực. Bên cạnh đó, các thuật toán AI của ChatGPT bị hạn chế khả năng tính toán cũng như hiểu được tâm lý của con người và do vậy cho ra các kết quả không như kỳ vọng, thậm chí phổ biến tin tức không chính xác.
Đối với việc ứng dụng ChatGPT vào việc giải quyết các tranh chấp thương mại, Hòa giải viên có thể yêu cầu ChatGPT tạo câu hỏi liên quan đến tranh chấp đang giải quyết, sau đó gợi ý các bên thảo luận về vấn đề hoặc kết quả được đưa ra, hoặc tìm kiếm các thông tin, dữ liệu liên quan đến lĩnh vực tranh chấp. Ngoài ra, Hòa giải viên có thể sử dụng ChatGPT như một công cụ soạn thảo các tài liệu như thỏa thuận hòa giải thành, từ đó giúp quy trình Hòa giải được rút gọn và nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, với các kết quả mà ChatGPT cho thấy gần đây, người dùng không nên xem kết quả của ChatGPT như một kết quả hòa giải thành mà từ đó coi ChatGPT là công cụ thứ ba thay thế cho Hòa giải viên trong các tranh chấp. Về bản chất, hòa giải là quá trình giúp cho các bên thấu hiểu, thương lượng, dàn xếp và hướng tới mục tiêu giải quyết tranh chấp hòa hảo trên tinh thần đôi bên cùng có lợi “win – win” và vì vậy, Hòa giải viên, với những kiến thức lĩnh vực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn và kĩ năng được đào tạo bài bản trong quá trình hành nghề mới có khả năng giúp các bên giải quyết tranh chấp của mình một cách thuận lợi. Với những tiềm năng của công nghệ ChatGPT, cách sử dụng an toàn nhất là để bổ sung và nâng cao khả năng của Hòa giải viên. Hòa giải viên có thể sử dụng ChatGPT như một công cụ để giúp đưa các câu hỏi cho các bên cũng như các quyết định một cách đúng đắn.
Kết luận: ChatGPT nói riêng hay AI nói chung có thể hữu ích cho quy trình hòa giải tranh chấp bởi khả năng tạo ra thông tin và ý tưởng mới dựa trên dữ liệu thu thập và hỗ trợ hoặc nâng cao kỹ năng của Hòa giải viên. Tuy nhiên, một điều có thể thấy rõ ràng AI không thể thay thế được trí tuệ của con người và sự trợ giúp của AI cần được các Hòa giải viên có chuyên môn xem xét cẩn thận trước khi đưa ra kết quả Hòa giải.
Nguồn tham khảo: https://mediate.com/chatgpt-and-mediation/