Ngày 19 tháng 06 năm 2020, Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Trung tâm Hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam (VICMC) tổ chức hội thảo Hòa giải thương mại: Lựa chọn hiệu quả cho giải quyết tranh chấp tại Hà Nội trong khuôn khổ Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam 2020 (gọi tắt là VAW2020).
Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ các doanh nghiệp xây dựng, các Luật sư đến từ các công ty/văn phòng luật sư lớn, các trọng tài viên, hòa giải viên cũng như các cơ quan truyền thông. Bên cạnh đó, hội thảo cũng thu hút được hàng trăm lượt theo dõi qua kênh trực tuyến của sự kiện.
Tiếp theo đó, bà Nguyễn Thị Mai, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp - Bộ Tư pháp đã có bài trình bày tổng quan về hoạt động hòa giải tại Việt Nam. Cụ thể, tại Việt Nam hiện nay có 13 Trung tâm hòa giải thương mại và 7 Trung tâm Trọng tài đăng ký hoạt động hòa giải thương mại, trong đó VMC và VICMC là 2 trung tâm có nhiều hoạt động sôi nổi nhất hiện nay. Bên cạnh đó, đã có hàng trăm hòa giải viên trong danh sách các trung tâm hòa giải thương mại cũng như đăng ký làm hòa giải viên vụ việc.
Hội thảo được chia thành 2 phiên xoay quanh những nội dung chính như: (1) Hòa giải thương mại tại Việt Nam – Bức tranh hiện tại và (2) Tương lai của hòa giải thương mại tại Việt Nam.
Phiên đầu tiên, dưới sự điều phối của ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Phòng ADR Việt Nam, Hòa giải viên VMC cùng các diễn giả bao gồm bà Nguyễn Minh Hằng, Tổng thư ký VICMC, ông Phan Trọng Đạt, Phó giám đốc thường trực VMC và ông Lưu Tiến Dũng, Luật sư thành viên công ty Luật YKVN, Hòa giải viên VMC, đã giúp các đại biểu tham dự có cái nhìn khái quát về thực trạng hòa giải thương mại tại Việt Nam.
Các diễn giả tham gia trình bày tại Phiên 2
Phiên thứ hai của Hội thảo đưa đến cho đại biểu tham dự những hình dung bước đầu về tương lai của hòa giải thương mại tại Việt Nam cùng với sự điều phối của bà Nguyễn Minh Hằng, Tổng Thư ký VICMC và sự tham gia của ba diễn giả: ông Lương Văn Lý, Ủy viên điều hành VICMC, ông Nguyễn Hưng Quang, Chủ tịch VICMC và ông Nguyễn Trung Nam, Phó giám đốc VMC.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, Nghị định 22/2017/NĐ-CP về Hòa giải thương mại ra đời cùng với Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án đã tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành, phát triển dịch vụ hòa giải thương mại với tư cách là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thương mại độc lập; tạo hành lang pháp lý thống nhất trong việc khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng dịch vụ hòa giải. Trong 3 năm qua, hòa giải thương mại đã bắt đầu được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để sử dụng. Theo thống kê đến từ Trung tâm Hòa giải Việt Nam, Trung tâm đã nhận 7 đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại với tổng trị giá tranh chấp lên đến hơn 1.000 tỷ đồng tập trung trong các lĩnh vực hàng hải, xây dựng và sở hữu trí tuệ.
Toàn cảnh hội thảo
Hội thảo là dịp để các chuyên gia chia sẻ về những kinh nghiệm, vướng mắc trong quá trình giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại. Từ đó, tìm ra hướng đi đúng đắn trong thời gian tới cho phương thức giải quyết tranh chấp này.
---
Tài liệu hội thảo (Tải về tại đây) | |
Một số hình ảnh về hội thảo (Xem tại đây) | |
Nội dung ghi hình trực tuyến (Xem tại đây) |