Công ước Viên 1980 - CISG về mua bán hàng hóa quốc tế chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 1/1/2017. Việc gia nhập CISG đã đánh dấu một mốc mới quan trọng của Việt Nam trong việc tăng cường mức độ hội nhập của Việt Nam với nền kinh tế thế giới, góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và sử dụng một khung pháp lý chung, công bằng và an toàn để thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
Tuy nhiên thực tế cho thấy vẫn còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự hiểu về Công ước Viên.
Những phân tích, đánh giá của Ông Phan Trọng Đạt, Quyền giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đưa ra trong bài phỏng vấn dưới đây sẽ giúp độc giả có cái nhìn tổng quan hơn xung quanh vấn đề này.
Trước tiên xin cảm ơn Ông Phan Trọng Đạt đã nhận lời tham gia bài phỏng vấn. Thưa ông, việc Việt Nam gia nhập công ước Viên sẽ mang lại những lợi ích gì cho việc thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu cũng như cho bản thân mỗi doanh nghiệp của chúng ta thưa ông?
Thực vậy, Công ước Viên là một bệ đỡ pháp lý cho việc đàm phán, ký kết hợp đồng nói chung và điều khoản luật áp dụng nói riêng. Doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng vì không phải đàm phán lựa chọn luật “của nước thứ ba”. Hiện tại Công ước Viên có 94 quốc gia thành viên và Việt Nam là thành viên thứ 84.
Thứ hai, khi thực hiện hợp đồng, doanh nghiệp cơ bản có được một khung pháp lý công bằng với các điều khoản bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Ngoài ra, chính nhờ hiểu biết về nội dung của CISG, doanh nghiệp Việt Nam chủ động hơn khi thực hiện các quyền của mình và yêu cầu đối tác thực hiện nghĩa vụ của họ. Các liên lạc, thông báo và phản ứng với hành động/không hành động từ đối tác chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Điều này giúp phòng ngừa tranh chấp phát sinh.
Ông Phan Trọng Đạt - Quyền giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC)
thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
Cuối cùng, khi bất đồng và tranh chấp phát sinh, doanh nghiệp chắc chắn chủ động hơn khi lựa chọn và tham gia giải quyết tranh chấp với đối tác bằng thương lượng, hòa giải hoặc trọng tài quốc tế viện dẫn được các điều khoản của CISG, các “án lệ” cho vấn đề hay vụ việc tương tự. Điều này giúp bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Bên cạnh những ưu điểm của mình, thưa ông Đạt, CISG còn có những hạn chế gì mà các doanh nghiệp cần phải lưu ý khi áp dụng nó trong mua bán hàng hóa quốc tế, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta hiện nay?
Công ước Viên chỉ tự động điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, không điều chỉnh một số loại “hàng hóa” như tàu thủy, máy bay, điện năng. Các khái niệm “mua bán”, “hàng hóa”, “địa điểm kinh doanh” trong Công ước Viên có thể hơi phức tạp để hiểu và áp dụng. Doanh nghiệp cần lưu ý rằng ”hàng hóa” theo Công ước Viên phải là các tài sản hữu hình và có thể di chuyển được; "địa điểm kinh doanh" được xác định là nơi có mối quan hệ gần gũi nhất với việc giao kết và thực hiện hợp đồng.
Công ước Viên không điều chỉnh các vấn đề như năng lực giao kết hợp đồng, người đại diện theo pháp luật, phạt vi phạm hợp đồng, chuyển giao quyền và nghĩa vụ, giao dịch đảm bảo, thời hiệu,...
Mặc dù chúng ta đã gia nhập Công ước Viên được 5 năm, nhưng CISG vẫn chưa được các DN quan tâm đúng mức. Thưa ông Đạt theo ông thì thực tế này có nguyên nhân do đâu?
Trên thực tế, khi ký kết hợp đồng, các bên thường chú trọng nhiều hơn vào nhóm điều khoản thương mại như tên hàng, số lượng, chất lượng, giá cả, thời gian giao hàng và điều kiện thanh toán, chưa chú trọng vào nhóm điều khoản pháp lý nên cũng chưa quan tâm đến Công ước Viên. Điều này dẫn tới sự bị động trong đàm phán và thực hiện hợp đồng và lúng túng khi xử lý tranh chấp phát sinh. Lợi ích của Công ước Viên đối với doanh nghiệp chưa được tuyên truyền mạnh, chưa tới được doanh nghiệp, luật sư,... Những người thực hiện công tác giải quyết tranh chấp đã quen thuộc với pháp luật trong nước hơn và các doanh nghiệp Việt Nam cũng thích sử dụng luật Việt Nam hơn. Thực tiễn này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở một số quốc gia phát triển khác như Hoa Kỳ, Singapore...
Từ thực tế trên, ông có thể đưa ra những khuyến nghị gì để việc áp dụng Công ước Viên được phổ biến và rộng rãi hơn?
Doanh nghiệp cần tìm hiểu về các lợi ích của Công ước Viên, chủ động nắm bắt những lợi ích kinh tế và lợi ích pháp lý mà Công ước mang lại cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế khi áp dụng CISG. Khi có tranh chấp phát sinh mà hợp đồng chưa có điều khoản về luật áp dụng giải quyết tranh chấp, doanh nghiệp cần mạnh dạn đề xuất Hội đồng trọng tài áp dụng Công ước Viên để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của mình. Ngoài ra, các Hiệp hội doanh nghiệp tổ chức đào tạo về CISG cho doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu thành viên; các cơ quan truyền thông làm trung gian truyền tải nhiều hơn nữa về pháp luật thương mại nói chung và về CISG nói riêng.
Xin cảm ơn Ông!
__
Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.
Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/
Kính mời bạn đọc theo dõi!