Cần xây dựng Luật về Hòa giải thương mại

16 Tháng 8, 2024
 

Ông Phan Trọng Đạt, Quyền Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC)

Phương thức hòa giải thương mại có những ưu điểm nổi trội, đặc biệt tiết kiệm thời gian và chi phí. Tuy nhiên, hiện nay chưa nhiều cá nhân, tổ chức lựa chọn phương thức này để giải quyết tranh chấp. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, Báo PLVN phỏng vấn ông Phan Trọng Đạt, Quyền Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

- Thưa ông, xin ông cho biết về những kết quả hoạt động của VMC thời gian qua?

Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC), được thành lập bởi VIAC năm 2018, là Trung tâm hòa giải thương mại đầu tiên tại Việt Nam. Về hoạt động giải quyết tranh chấp, tính đến tháng 8/2024, Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) đã tiếp nhận 42 vụ tranh chấp, trong đó số vụ tranh chấp trong nước chiếm 74,3% và tranh chấp có yếu tố nước ngoài là 25,7%. VMC ghi nhận lĩnh vực tranh chấp đa dạng với một số vụ việc phức tạp, trong đó lĩnh vực mua bán hàng hoá chiếm tỉ lệ cao nhất với 35,9%; xây dựng, dịch vụ và hợp tác kinh doanh cũng là những lĩnh vực phổ biến tại VMC. Với các vụ tranh chấp mà các bên đã chọn được hoà giải viên, tỉ lệ hoà giải thành trên 90% và các bên tự nguyện thi hành thỏa thuận hoà giải thành là 100%.

Bên cạnh đó, năm 2024 VMC đã kết nạp thêm 11 Hoà giải viên mới, nâng tổng số Hoà giải viên trong danh sách lên 69 người (trong đó 15 Hoà giải viên nước ngoài). Hòa giải viên của VMC đều là các chuyên gia có uy tín và kỹ năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực hoà giải tại Việt Nam và trên thế giới.

Ngoài hoạt động giải quyết tranh chấp, VMC chú trọng đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tập huấn về hòa giải thương mại cho luật sư và doanh nghiệp. Hàng năm, VMC tổ chức các khoá tập huấn “Kỹ năng tham gia giải quyết tranh chấp thông qua hoà giải thương mại” dành cho các luật sư, luật gia, doanh nghiệp, giảng viên. Năm 2024, VMC lần đầu tiên tổ chức khoá tập huấn “Kỹ năng Hoà giải viên” với sự tham gia giảng dạy của chuyên gia nước ngoài. VMC cũng tổ chức các cuộc thi về hòa giải cho sinh viên để “gieo mầm” phương thức này.

Về hoạt động hợp tác quốc tế, VMC cũng đã hợp tác với một số tổ chức, trung tâm hoà giải có uy tín trong khu vực và trên thế giới, trong đó bao gồm Trung tâm Hoà giải Quốc tế Singapore (SIMC), các trung tâm hòa giải của Thượng Hải, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc…

Các hoạt động đa đạng của VMC không những phát triển và mở rộng hoạt động của VMC mà còn góp phần nâng cao chất lượng hòa giải thương mại tại Việt Nam, quảng bá sự tồn tại và phát triển của hòa giải thương mại Việt Nam tới cộng đồng doanh nghiệp và luật sư nước ngoài.

- Hiện nay việc sử dụng phương thức hòa giải thương mại có những lợi ích, ưu điểm gì. Tại sao phương thức này có nhiều ưu điểm như vậy mà ít người biết đến và lựa chọn?

Mỗi phương thức giải quyết tranh chấp đều có ưu điểm riêng. Đối với phương thức hòa giải, các đặc trưng như tiết kiệm thời gian và chi phí giải quyết tranh chấp; giữ gìn và phát triển mối quan hệ cá nhân, quan hệ thương mại giữa các bên tranh chấp và tính bảo mật thông tin là các ưu điểm vượt trội so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác. Đặc biệt, không giống như các phương thức giải quyết tranh chấp mang tính chất tố tụng (Toà án hay Trọng tài), Hòa giải viên có thể cùng với từng bên tranh chấp đưa ra các giải pháp linh hoạt, sáng tạo, có lợi cho cả hai bên. Điều này giúp các bên hàn gắn mối quan hệ, dung hòa lợi ích, tạo ra các thỏa thuận/hợp tác mới và chuyển hóa bất đồng/tranh chấp thành cơ hội hợp tác. Sự linh hoạt này đặc biệt phù hợp trong các tranh chấp quốc tế, tranh chấp phức tạp hoặc trong những trường hợp mà việc duy trì mối quan hệ hợp tác lâu năm được doanh nhân đặt lên hàng đầu. Tôi nghĩ có hai lý do chính để phương thức này chưa được nhiều người biết đến và lựa chọn.

Thứ nhất, về phía các doanh nghiệp: Nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa có hiểu biết đầy đủ về hòa giải thương mại cũng như những lợi ích của phương thức này mang lại. Do vậy, họ thường có xu hướng sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống như Tòa án hoặc Trọng tài. Một số doanh nghiệp cũng có tâm lý e ngại sự thay đổi và chưa tin tưởng vào tính hiệu quả của hòa giải, vào vai trò của hòa giải viên. Ngoài ra, đa số doanh nghiệp cho rằng hòa giải không khác gì thương lượng với kết quả hòa giải thành không thể cưỡng chế thi hành trong khi thực tế là kết quả hòa giải thành được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Thứ hai, về phía các luật sư: Một số luật sư tư vấn chưa tích cực giới thiệu phương thức hòa giải thương mại cho khách hàng của mình. Điều này có thể đến từ một số hiểu lầm phổ biến đối với phương thức hòa giải thương mại, bao gồm sự lo ngại về việc giảm thù lao của luật sư so với việc tranh tụng tại Tòa án hoặc Trọng tài trong khi thực tế đã được chứng minh ngược lại. Thêm vào đó, một số luật sư có thể vẫn quen thuộc với phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống, dẫn đến việc hòa giải thương mại chưa được khuyến khích và sử dụng rộng rãi.

- Ông có thể chia sẻ thêm những khó khăn đối với nghề hòa giải viên?

Ngoài yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của phương thức hòa giải là sự nhận thức đầy đủ về ưu/nhược điểm của phương thức này thì khảo sát cho thấy 3 yếu tố chính để phát triển hòa giải thương mại là: quy định pháp luật về hòa giải thương mại thuận lợi; các Trung tâm hòa giải vận hành hiệu quả và; đội ngũ Hòa giải viên có uy tín, chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm hòa giải.

Khó khăn lớn nhất có lẽ xuất phát từ thực tế là phương thức hòa giải mới và chưa được sử dụng nhiều nên nghề hòa giải viên chưa phát triển. Hầu như toàn bộ Hòa giải viên của VMC nói riêng và Hòa giải viên tại Việt Nam nói chung đều đang công tác ở các công việc khác như luật sư, giảng viên, chuyên gia…VMC đã và đang đẩy mạnh việc giới thiệu phương thức hòa giải tới cộng đồng luật sư, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp để phương thức này sẽ được sử dụng nhiều hơn và Hòa giải viên sẽ được “làm việc” thực sự. Song song, VMC tổ chức các khóa bồi dưỡng kỹ năng dành cho luật sư, doanh nghiệp; các khóa đào tạo kỹ năng hòa giải viên để sẵn sàng về nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu sử dụng phương thức hòa giải trong thời gian tới.

- Vậy để khắc phục những khó khăn đó thì cần có những giải pháp như thế nào từ phía nhà nước cũng như xã hội?

Trước hết, có thể khẳng định rằng chủ trương và pháp luật của nhà nước là ủng hộ và khuyến khích phương thức hòa giải thương mại với ví dụ là nội dung cấp tiến tại Chương 33 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Chúng tôi mong muốn Nhà nước sẽ ưu tiên cân nhắc xây dựng Luật về Hòa giải thương mại để một mặt nâng tầm cho phương thức này (các lĩnh vực hòa giải khác đều được điều chỉnh bởi Luật; duy nhất Hòa giải thương mại được điều chỉnh bởi Nghị định) đồng thời bổ sung được các qui định mới tạo thêm thuận lợi cho phương thức hòa giải. Ngoài ra, Việt Nam hiện là quan sát viên của Công ước Singapore 2019 về (công nhận) Thỏa thuận hòa giải thành quốc tế, nên cân nhắc và có lộ trình để sớm ký kết gia nhập Công ước này. Một số Công ước khác mà Việt Nam đã là thành viên như Công ước New York 1958 về Công nhận và Thi hành Phán quyết Trọng tài nước ngoài, Công ước Vienna 1980 về Mua bán hàng hóa quốc tế đã và đang thúc đẩy giao thương và đầu tư quốc tế tại Việt Nam. Việc tham gia Công ước Singapore 2019 cùng chung mục đích tích cực đó.

Về phía cộng đồng luật sư, doanh nghiệp và doanh nhân: Chúng tôi tin tưởng rằng với tư duy cởi mở và hội nhập, họ đã và đang nhận thấy tính hiệu quả của phương thức hòa giải với công việc của họ. Không có doanh nhân nào mong muốn có tranh chấp với đối tác; không có doanh nhân nào chỉ muốn thắng và mất đi đối tác. Hòa giải là giải pháp hiệu quả, giúp họ hiểu quá khứ và hiện tại để hướng tới tương lai tươi sáng hơn./.

- Trân trọng cám ơn ông!

Theo Thu Hằng, Báo điện tử Pháp luật Việt Nam, đăng ngày 16/08/2024, xem tại: https://baophapluat.vn/can-xay-dung-luat-ve-hoa-giai-thuong-mai-post521992.html 

Tin mới nhất

  • Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
    Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh
    Thời báo Kinh tế Sài Gòn
    Hội luật Quốc tế Việt Nam
    Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
    International Dispute Resolution & Risk Management Institute
    Korean International Mediation Center
    Singapore International Mediation Centre
    Shanghai Commercial Mediation Center (SCMC)
    Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế
    Internation Finance Corporation
    Báo Diễn đàn doanh nghiệp