[Tin tức] VMC và VECAS phối hợp tổ chức tọa đàm Tính hiệu quả của phương thức hòa giải trong hợp đồng tư vấn xây dựng

22 Tháng 11, 2024

Sáng ngày 13/11/2024 tại Hà Nội, Trung tâm Hoà giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam (VECAS) tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Tính hiệu quả của phương thức hòa giải trong hợp đồng tư vấn xây dựng” với sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp trong lĩnh vực tư vấn xây dựng.

Tham dự toạ đàm, về phía VMC có ông Phan Trọng Đạt – Quyền Giám đốc Trung tâm Hoà giải Việt Nam (VMC ) thuộc VIAC, LS. Đỗ Trọng Hải - Chủ tịch kiêm Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH BIZLINK, Trọng tài viên VIAC, Hoà giải viên VMC; về phía VECAS có bà Nguyễn Thị Duyên - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam, ông Hoàng Ứng Huyền - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam; cùng sự tham dự của hơn 30 đại diện doanh nghiệp, công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn xây dựng.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, bà Nguyễn Thị Duyên chia sẻ rằng các phương thức ADR nói chung và hòa giải nói riêng mở ra con đường giải quyết tranh chấp xây dựng nhanh chóng, hiệu quả, giữ được mối quan hệ hợp tác, thân thiện giữa các bên tranh chấp. Để có thể nắm bắt và tận dụng tối đa ưu điểm của phương thức hòa giải, các doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý ngay từ giai đoạn đàm phán, ký kết hợp đồng xây dựng. Tọa đàm sẽ là một không gian để các hòa giải viên, luật sư, và các chuyên gia trong ngành xây dựng cùng trao đổi, thảo luận về lợi ích của hòa giải, từ đó nâng cao nhận thức và khả năng sử dụng phương thức này của các doanh nghiệp xây dựng trong thực tiễn.

Bà Nguyễn Thị Duyên – Chủ tịch VECAS phát biểu khai mạc tọa đàm

Tại toạ đàm, ông Phan Trọng Đạt – Quyền Giám đốc VMC nhận định hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội nói chung, nhưng sẽ khó có thể phát huy tối đa hiệu quả nếu các chủ thể là doanh nghiệp không có hiểu biết đầy đủ, từ đó gây thiệt hại lớn trong kinh doanh. Ông Đạt cũng đã có phần giới thiệu các ưu điểm của phương thức hòa giải thương mại về chi phí, thời gian và khả năng kết quả hòa giải thành được các bên tự nguyện thi hành cao, cùng khung chính sách và pháp luật về hòa giải thương mại hiện nay.

Ông Phan Trọng Đạt và LS. Đỗ Trọng Hải chia sẻ tại toạ đàm
 

Tiếp nối chương trình, LS. Đỗ Trọng Hải - Chủ tịch kiêm Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH BIZLINK, Trọng tài viên VIAC, Hoà giải viên VMC đã chia sẻ các tranh chấp xây dựng hiện nay chủ yếu tập trung vào 05 nhóm nguyên nhân chính: Vi phạm nghĩa vụ thanh toán; chậm trễ và gia hạn thi công; chất lượng và khối lượng công việc; bảo lãnh và bảo đảm; và trượt giá và điều chỉnh giá. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa có sự quan tâm đúng mức tới vấn đề giải quyết tranh chấp trong quá trình ký kết hợp đồng xây dựng, mà chỉ chú trọng khi tranh chấp đã phát sinh. Từ đó, LS. Hải đã chia sẻ những lưu ý về giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng nói chung và về phương thức hòa giải nói riêng, trong đó việc lựa chọn Hòa giải viên và trung tâm hòa giải có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm là rất quan trọng. Theo LS. Hải, VMC từ khi thành lập tới nay đã đạt được những bước tiến lớn và sẽ có triển vọng hơn nữa trong tương lai, có thể sánh ngang với các nước phát triển trong khu vực.

Sau phần chia sẻ của ông Phan Trọng Đạt và LS. Đỗ Trọng Hải, đại diện các doanh nghiệp đã có phần giao lưu và trao đổi với các diễn giả về một số bất cập về pháp luật và thực tiễn như vấn đề thời hiệu khởi kiện trong tranh chấp xây dựng, vấn đề bảo lãnh thanh toán, vướng mắc trong pháp luật về hợp đồng thương mại, và những khó khăn trong quá trình thi hành án sau tố tụng. Từ đó, ông Phan Trọng Đạt đưa ra khuyến nghị với doanh nghiệp cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng, quản lý phương thức giải quyết tranh chấp ngay từ giai đoạn đàm phán, ký kết hợp đồng xây dựng, không để tranh chấp đã phát sinh mới ứng phó, nhất là với hai phương thức hòa giải và trọng tài.